🐳 [KHTD] Chương 22: Phiền não ngọt ngào

←Trước 🐳 MỤC LỤC 🐳 Sau →

Tác giả: Bánh Anh Đào | Biên: Nhiên | Wp: Tata’s Stories (Chưa beta)


Tiền thưởng.


Phá vụ án căn nhà ma ám ở phường Thái Bình và nạp tấu sớ cuối năm xong xuôi, Chu Kỳ mới thả lỏng, chơi đánh bài lá với đám Trần Tiểu Lục, Triệu Sâm, Tần Đô An, Tôn Quảng đang ở nha sở hoặc vừa về thay ca. Ngay cả Đoàn Mạnh cũng không ở ngoài tập đánh quyền vào đá tảng mà đứng một bên lẳng lặng xem đánh bài.

Tuy bình thường hay lươn lẹo nhưng khi đánh bài Chu Kỳ lại rất trung thực, không chơi xấu, không ăn gian, chỉ tiếc nghề đánh bài hơi kém, mới chơi một lúc trên mặt bị dán đầy giấy phạt.

Trần Tiểu Lục chỉ bị dán hai ba dải giấy trên mặt, chợt nhìn sang Chu Kỳ dán thêm cho nàng một tờ nữa, vui sướng hả hê nói:

– Chị cả, chị sắp bị dán mười tờ rồi này. Đủ mười tờ thì đổi chỗ, tới đứng tấn trong góc tường đi nhá.

Tôn Quảng đang đứng tấn trong góc tường trợn mắt há mồm nói:

– Các anh em mau kéo chị cả xuống, để chị ấy tới thay tôi!

Chu Kỳ hạ bài trong tay xuống, cười ha hả:

– Ta thắng!

Nàng có thể chơi thêm một lát nữa.

Tôn Quảng thật sự không đứng tấn nổi nữa, phải gắng nín thở chịu đựng. Rèm cửa chợt bị vén lên, vừa thấy giày và áo choàng của người mới bước vào, Tôn Quảng lập tức đứng thẳng dậy:

– Kính chào Phiêu Kỵ Đại Tướng quân.

Chu Kỳ quay đầu lại, vội vàng giật mấy dải giấy dính trên mặt xuống, bước tới chắp tay hành lễ. Mấy người còn lại cũng vội vàng theo sau lưng nàng hành lễ.

Tưởng Phong nhíu mày, quát khẽ:

– Còn ra thể thống gì nữa?

Chu Kỳ ngượng ngùng cười.

Tưởng Phong khẽ xua tay với đám người trong phòng:

– Bọn bây tản hết đi, để ta nói chuyện với Tướng quân của bây.

Đám Trần Tiểu Lục vội hành lễ rồi lui ra ngoài.

Chu Kỳ dọn sơ cái sập mình vẫn thường ngồi, mời Tưởng Phong ngồi xuống rồi tự mình dâng trà cho ông.

– Đã lâu không tới cung Hưng Khánh, hôm nay ta tới thăm mấy đứa bây.

Tưởng Phong là Hoạn quan thân cận nhất của Hoàng đế, nghe nói là còn “thân thiết ăn đứt cả phi tần, hoàng tử, công chúa”. Ông được phong làm Phiêu Kỵ Đại Tướng quân, là chỉ huy trưởng bộ Giáp kiêm thống lĩnh của Can Chi Vệ. Có điều ông không thường xuyên ở cung Hưng Khánh. Nếu không có việc gấp, ở Can Chi Vệ nửa tháng hoạ may mới gặp được một lần.

Trong mười hai chi thuộc bộ Giáp, chi Hợi là nhạt nhoà nhất, gây chuyện cũng ít nhất. Chu Kỳ không hiểu sao hôm nay Đại Tướng quân tự dưng lại đến đây.

Tưởng Phong chỉ chỗ đối diện mình, nói:

– Con cũng ngồi đi.

Chu Kỳ cảm tạ, mỉm cười ngồi xuống.

Tưởng Phong nhấp một ngụm trà, nhìn cái trán trắng nõn của nàng thì nhớ ra điều gì, chợt hỏi:

– Tính ra con cũng hai mươi rồi nhỉ?

Chu Kỳ cười lấy lòng:

– Dạ vâng, Tưởng Đại Tướng quân nói là tuổi mụ, sang năm con đã hai mươi mốt rồi.

Tưởng Phong gật đầu, thoáng cảm khái:

– Đã lớn vậy rồi đấy.

Chu Kỳ lại cười.

Thật ra ngoài quan hệ cấp trên cấp dưới này, Chu Kỳ và Tưởng Phong còn có mối quan hệ đặc thù. Chu Kỳ là được Tưởng Phong nhặt ở ngoài rồi mang vào cung.

[Bạn đọc vui lòng chạm vào đây để đọc tiếp – WordPress Tata’s Stories]

Hoạn quan ở trong cung nhặt con nít đưa về không phải hiếm. Thông thường mấy đứa trẻ đã lớn hiểu chuyện hoặc bé trai, nhặt về tịnh thân xong, nuôi dưỡng bên người, khi nó lớn lên sẽ sai bảo. Vì thế đứa bé được nhặt về sẽ thân thiết với bọn họ hơn – cái này còn mang ý nghĩa là “nuôi con dưỡng già”.

Tưởng Đại Tướng quân lại khác biệt. Ông nhặt Chu Kỳ. Lúc ông đưa nàng về thì vẫn còn là đứa trẻ quấn tã, lại là con gái nên ông giao nàng cho một cung nữ họ Chu. Thế nhưng cung nữ họ Chu kia lại chưa bao giờ chăm sóc nàng dù chỉ một ngày. Khi lớn hơn một chút, Chu Kỳ cảm thấy nói là bà lão họ Hàn giặt áo quần, đút cơm cho mình thì đúng hơn.

Có thể vì nắm quyền cao chức trọng nên có rất nhiều người tranh nhau gọi ông là “cha”. Ông cũng không mấy để tâm đến bé gái Chu Kỳ này. Đương nhiên Chu Kỳ cũng không thân thiết với ông, thậm chí còn vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu nghe bà lão nói mình được Tưởng Đại Tướng quân nhặt về đem vào cung.

Chu Kỳ chỉ nhớ được một lần duy nhất Tưởng Đại Tướng quân quan tâm đến mình. Đó là khi nàng bảy tám tuổi đánh nhau với đám thái giám nhỏ. Nàng bị một đứa lớn gạt chân ngã nhào, đến buổi chiều ho ra cả máu khiến bà lão họ Hàn sợ chết khiếp. Bà ấy khóc sướt mướt đi tìm Tưởng Phong. Hôm sau chẳng thấy đứa thái giám kia đâu, lại có thầy lang đưa thuốc đến.

Cũng từ sau chuyện ấy Chu Kỳ bắt đầu học võ phòng thân với lão Hoạn quan họ Tô. Cái này đương nhiên cũng là ân huệ của Tưởng Đại Tướng quân. Lão Hoạn quan vốn chỉ định dạy Chu Kỳ vài ba chiêu quyền cước, nhưng Chu Kỳ cứ nhõng nhẽo làm nũng đòi lão dạy thêm một chút. Vài năm trôi qua, cuối cùng nàng học được không ít ngón nghề võ công. Cũng bởi thế mà lúc Can Chi Vệ chiêu mộ người, Chu Kỳ mới được tuyển chọn.

Lúc người mới gặp mặt cấp trên, Tưởng Đại Tướng quân thấy nàng thì hơi giật mình – lúc ấy hai người đã lâu không gặp nhau.

Hai người dường như đều cùng nhớ tới chuyện năm xưa, cả phòng bỗng trở nên yên tĩnh.

Chu Kỳ nhìn vị Hoạn quan quyền cao chức trọng này. Tuy bây giờ cũng thường gặp mặt nhưng trước giờ chưa từng quan sát ông cẩn thận. Tóc mai của ông bạc trắng, gương mặt cũng già hơn nhiều so với ký ức. Đúng là thời gian chẳng buông tha ai.

Tưởng Phong lại nhấp thêm một ngụm trà:

– Bây giờ dân chúng đang đồn ầm chuyện căn nhà ma ám ở phường Thái Bình kia, thậm chí còn có mấy sứ thần nói bóng gió trước mặt Thánh Nhân nữa. Chuyện này các người xử lý rất tốt, tấu sớ con viết cũng tốt.

Chu Kỳ mỉm cười. Hồi ở trong cung, Chu Kỳ cũng từng ở Dịch Đình học chữ, nhưng lúc đó nàng chỉ chuyên tâm tranh giành thức ăn chẳng khác gì con khỉ con, bây giờ tài văn chương của nàng cũng chẳng ra gì. Tưởng Phong khen như thế là vì khi viết tấu sớ nàng đã cố né hết mọi chi tiết liên quan đến vụ án Lệ Thái tử và Tần Quốc công năm xưa. Tuy Chu Kỳ không giỏi đan thuyền xếp chữ nhưng lại là một người rất thức thời.

Tưởng Phong nhíu mày:

– Ta đổi con sang một chi khác nhé?

Chu Kỳ vội lắc đầu, hành lễ cảm tạ ông:

– Đa tạ Đại Tướng quân, Kỳ ở chi Hợi quen rồi, cũng thấy ở đây tốt lắm.

Tưởng Phong cười:

– Tính tình tốt đấy, y chang như…

Tưởng Phong dừng lại không nói nữa, đứng lên:

– Thôi vậy, mấy đứa chơi tiếp đi, ta đi đây.

Chu Kỳ vội vàng đứng lên tiễn đưa.

Sau khi Tưởng Phong đi khỏi, đám nhóc kia mới mò vào phòng, đứa nào đứa nấy mắt sáng long lanh:

– Chị cả, là chuyện ban thưởng cuối năm hả?

Chu Kỳ giận đám nhóc này vừa rồi thừa nước đục thả câu, hừ, nhóc con dám hùa nhau ăn hiếp ta, dán giấy lên mặt ta…

– Không phải chứ? Không có hả?

Cả đám lập tức mặt ủ mày ê.

Chu Kỳ bật cười, thuật lại lời Tưởng Phong đã nói cho bọn họ nghe rồi nói:

– Ta xem hẳn là có thôi.

Đám Trần Tiểu Lục đều hoan hô.

Đến ngày cũng ông Táo hai mươi ba tháng Chạp, ban thưởng cuối năm cũng đã đến, quả nhiên chi Hợi được thưởng không ít.

Dương Túc, chỉ huy trưởng chi Tuất, là kẻ hẹp hòi. Hắn mỉa mai một câu:

– A Chu, cô may mắn thật đấy. Tháng Chạp cuối năm rồi còn vớ được một vụ án béo bở.

Chu Kỳ ngoắc tay gọi hắn tới, Dương Túc nhích lại gần.

Chu Kỳ nói:

– Người anh em, mấy lá bùa may mắn tôi vẽ giá hai vạn văn tiền một lá, anh muốn không? Tôi tính giá hữu nghị cho anh em nhà mình, chỉ một vạn năm thôi.

Dương Túc cười mắng:

– Cô mê tiền mờ mắt luôn rồi! Lá bùa cô vẽ dùng được hả?

Tuy nói thế nhưng hắn vẫn nói thêm:

– Mau vẽ cho anh đây hai lá!

Chu Kỳ cười nói:

– Được thôi!

Chu Kỳ chia tiền thưởng cho mọi người, lén giúp đỡ mấy anh em nhà khó khăn một chút, lại để dành một chút cho sư phụ Tô – tiếc là năm ngoái ông ấy đã qua đời rồi, không tiêu tiền lương của mình được nữa… Sau đó Chu Kỳ cũng giống như đám người của chi Hợi, vắt óc nghĩ xem mình nên tiêu tiền thưởng này thế nào.

Nàng nhận được hơn hai mươi vạn văn tiền, sang năm mới còn được thưởng tiền mừng đầu năm nữa, ước chừng nàng có hai ba mươi vạn văn tiền, đúng là một khoản lớn. Không biết lão thợ rèn họ Vương làm một cây roi dài mấy tiền nhỉ? Không cần dài chín thước, cỡ bốn năm thước là được rồi… Con ngựa trắng lần trước Thôi Dập nói không biết đã bị bán chưa ta? Sắp tới năm mới rồi, có cần phải đặt mua mấy bộ y phục mới không đây?

Thấy dáng vẻ xoa cằm suy nghĩ của nàng, Trần Tiểu Lục không nhịn được mà khuyên:

– Chị cả, chị tiết kiệm một chút đi! Chị nghĩ lại xem lúc không có tiền chỉ có thể ăn cơm của nhà bếp công đi… Một năm chỉ có hai lần thưởng trước sau tết như thế đều bị chị tiêu sạch sành sanh. Còn tiền lương hằng tháng thì đủ cho chị đi lầu Phong Ngư ăn mấy lần chứ? Nói chứ chị không định mua một toà nhà hả? Dù sao trong một năm, chúng ta làm việc về muộn, phải ở ngoài cung mấy lần, nếu có một toà nhà thì tiện biết mấy.

Chu Kỳ bị câu “đi lầu Phong Ngư ăn mấy lần” kia đánh trúng điểm yếu, do dự không biết nên chọn các món ngon hay chọn roi dài và bạch mã, thậm chí nàng còn vận dụng cả “ném giấy lựa chọn đại pháp” – ôi chao, thật đúng là phiền não ngọt ngào mà.

– Hết chương 22 –

←Trước 🐳 MỤC LỤC 🐳 Sau →

Một suy nghĩ 11 thoughts on “🐳 [KHTD] Chương 22: Phiền não ngọt ngào

  1. Alice Nguyen nói:

    Tính tui cũng y chang Chu Kỳ. Cứ có tiền trong tay là vắt óc nghĩ xem nên tiêu hết tiền như thế nào, chứ hông có suy nghĩ tiết kiệm cho tương lai luôn🤣🤣🤣

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này