🐳 [KHTD] Chương 12: Ngôi nhà họ Triệu bị ma ám

←Trước 🐳 MỤC LỤC 🐳 Sau →

Tác giả: Bánh Anh Đào | Biên: Nhiên | Wp: Tata’s Stories (Chưa beta)


Bản lĩnh của Chu đạo trưởng.


Lúc này Chu Kỳ không giả làm đạo sĩ coi bói nữa mà dẫn theo Trần Tiểu Lục cưỡi ngựa đến thẳng phường Thái Bình luôn.

Thôi Dập đi từ phủ Kinh Triệu ở phường Quang Đức phía Tây đến. Hai người gặp nhau ở trước cửa nhà họ Triệu.

Sau khi chào hỏi lẫn nhau, Chu Kỳ hỏi Thôi Dập kết quả điều tra đồ vật ở tiệm cầm đồ ngày hôm qua.

Thôi Dập ném dây cương cho người hầu, lắc đầu nói:

– Tôi đã tới chỗ kho hàng Nhuận Phong ghi trên giấy cầm đồ hỏi thăm, đúng là Phương Tư Niên đã cầm đồ ở đó. Chiểu theo danh sách lấy lại hết đồ vật đã cầm rồi đưa tới phường Bình Khang để đám hoa nương của Dương thị nhận dạng. Mấy thứ đó chỉ toàn là trâm cài đầu của nữ, có cái bọn họ đã từng thấy, cũng có cái chưa thấy bao giờ, hẳn là khách đến mua vui tặng cho Đan Nương rồi lại bị Đan Nương giấu đi. Chuyện liên quan đến đám của cải này quả thật bọn họ không nói dối. Hiện giờ mặc dù chưa thể loại Phương Tư Niên ra khỏi đối tượng tình nghi nhưng cũng không thể khẳng định chàng ta là hung thủ.

[Bạn đọc vui lòng chạm vào đây để đọc tiếp – WordPress Tata’s Stories]

Chu Kỳ gật đầu, nhìn nhà họ Triệu:

– Đi một vòng rồi quay lại điểm xuất phát.

Chu Kỳ đột nhiên thấy thiếu gì đó, hỏi:

– Ủa, sao không thấy Tạ Thiếu khanh đâu?

– Cậu ta đi điều tra mấy chủ cũ của toà nhà này, xem thử bọn họ đã đi đâu rồi.

Chu Kỳ khựng lại, hỏi:

– Chẳng phải người của anh ở Bộ hộ đã điều tra chủ cũ của căn nhà này rồi à? Trình Vĩ Khanh kia thế nào?

– Người tên Trình Vĩ Khanh kia đỗ tiến sĩ năm Đại Nghiệp hai mươi lăm. Bộ lại tổ chức mấy lần tuyển dụng nhưng lão không thi được nên cứ như thế chứ chưa từng ra làm quan. Nghĩ lại khi đó hẳn lão ở trong kinh cũng chạy vạy khắp nơi để đi thi ra làm quan nhưng cuối cùng chẳng được gì. Về sau lão dứt khoát bán nhà luôn, nay không biết đang ở nơi nào.

Người đi học loại này trong kinh có rất nhiều. Có kẻ thì không thi đỗ tiến sĩ, có người đỗ tiến sĩ rồi nhưng không thể thi ra làm quan được. Vị Phương Tư Niên kia cũng là một trong số đó.

Chu Kỳ lại gật đầu.

Thôi Dập đột nhiên cười gian, nói:

– Vừa rồi chẳng lẽ… cô nhớ lão Tạ hử?

Chu Kỳ quay đầu lại nhìn chàng:

– … Cái gì khiến cậu bị ảo tưởng này?

Nhớ Tạ Thiếu khanh hả… có nhớ thì nhớ tay nghề nấu ăn ngon của y ấy.

Thôi Dập lập tức nói vun vào cho anh em mình:

– Lão Tạ là người tốt lắm đấy, đã đẹp trai lại còn có tài, là tiến sĩ cập đệ*, mới hai bốn tuổi đã giữ chức Thiếu khanh của Đại Lý Tự. Tất cả mấy thứ đó đều tự bản thân y cố gắng mà được, không giống ta – tất cả là nhờ bà nội hết.

*
Tiến sĩ cập đệ là một trong ba người đỗ đầu bảng kỳ thi đình.

Chu Kỳ bật cười:

– Cũng không giống tôi, tất cả là nhờ tài luyện ưng với cưỡi ngựa.

Chức Lâm Lang tướng Chánh Ngũ Phẩm mà Chu Kỳ có được đúng là rất “huyền cơ”. Trước kia nàng chỉ là một Hiệu uý Chánh Lục Phẩm, nhờ huấn luyện chim ưng quá tốt nên Hoàng Đế thăng liền cho bốn trật*, được xưng là “Tướng quân” nhậm chức “chỉ huy trưởng (hờ) của chi hợi”, tất nhiên chữ “hờ” ở đây thường ngầm hiểu cho qua.

*
Người biên tập tra cứu “quan giai/quan phẩm” trên Baidu thì biết được quan chức có 9 bậc, từ cửu phẩm là thấp nhất đến nhất phẩm là cao nhất. Trong mỗi bậc phẩm chia thành hai trất là chánh và tòng. Chánh cao hơn tòng. Chu Kỳ từ chánh lục phẩm tăng lên chánh ngũ phẩm là tăng ba trật nhưng tác giả lại viết là bốn trật. Không biết tác giả viết nhầm hay mình tính nhầm nữa. Nếu bạn đọc nào rành cái này xin chỉ cho nhà mình với nha.

Chu Kỳ và Thôi Dập nhìn nhau cười, có thể thấy được không phải ngẫu nhiên mà hai kẻ ăn chơi làm bạn với nhau.

Chu Kỳ mặt dày nói tỉnh bơ:

– Với tài huấn luyện ưng của tôi đây, biết đâu chừng tới hai bốn tuổi cũng leo tới chức chánh tứ phẩm đấy.

– Vậy phải coi người Hồi Hột có tạo cơ hội cho cô không. Khi nào họ cống nạp ưng dâng cho Thánh Nhân thì được rồi.

Chu Kỳ nghiêm túc gật đầu, nói:

– Tết năm nay tôi phải dâng hương cầu Phật phù hộ sao cho đoàn sứ thần nước Hồi Hột cống ưng tới đây!

Thôi Dập định nói “cô tự làm là được” thì gia bộc nhà họ Triệu đã ra ngoài đón nên đành dừng nói chuyện phiếm mà quay sang hỏi gia bộc kia:

– Chuyện là thế nào? Sao hôm nay nhà anh lại đi tìm Pháp tào* báo trong nhà bị quỷ ám là sao?

*
Pháp tào (法曹): quan tư pháp thời cổ đại.

Người trả lời là người đàn ông hôm trước đã đến nhờ Chu Kỳ xem bói. Hắn có vẻ là người quản lý gia bộc của nhà họ Triệu, tên là Từ Tam.

Hai mắt Từ Tam hơi mơ màng, vẻ mặt xui xẻo nói:

– Bẩm quý nhân, trong nhà đúng là không được yên ổn. Con Thính Cầm là tỳ nữ trông coi tiểu đại lang giúp nương tử. Nó bảo tối hôm qua nghe được bên ngoài có tiếng khóc thút thít, nó sợ đến mức mất ngủ.

Chu Kỳ và Thôi Dập liếc nhau, nói:

– Ồ? Chỉ có một mình nó nghe được thôi à? Chủ nhà anh nói thế nào?

– Sau khi Thính Cầm báo chuyện tối hôm qua cho lão phu nhân và nương tử thì lão phu nhân bảo bà ấy cũng nghe được, còn bảo đây là dấu hiệu rằng linh hồn của đại lang không nhắm mắt, đang kêu oan. Nương tử thì nói đêm trước có gió lớn, biết đâu chừng là do Thính Cầm nghe nhầm cũng nên.

– Lão phu nhân sai con đi báo quan lần nữa, chuyện này…

Mặt Từ Tam lộ vẻ khó xử, gần đây cứ phải lui tới phủ Kinh Triệu quả thật là hơi đáng sợ.

Lão phu nhân cứ thúc giục hắn đi tới phủ nha thăm dò tin tức. Bộ phủ Kinh Triệu là nơi dễ thăm dò tin tức lắm chắc? Đừng nói bản thân hắn chỉ là một kẻ hầu, cho dù là A Lang thì có ăn thua gì với các quan lớn quý nhân chứ. Vì thế hắn chỉ đành chuẩn bị chút tiền mọn, hỏi nha sai, ngỗ tác mấy chuyện vụn vặt ngoài rìa mà thôi.

– Con sợ đi báo án sai, cũng để tiện bảo vệ cho lão phu nhân và nương tử nên tối đến chúng con không ngủ ở nhà trước mà lui ngủ trong chái nhà phía Đông ở sau nhà. Sau nửa đêm quả nhiên con nghe bên ngoài như có tiếng quỷ khóc ạ.

Thôi Dập xoa cằm. Chu Kỳ hỏi:

– Có nghe được tiếng kêu kia phát ra ở đâu không?

Từ Tam lắc đầu.

– Anh nói rằng lúc các anh ở ngoài nhà trước thì không nghe thấy gì à?

– Bẩm quý nhân, đúng vậy ạ.

Chu Kỳ híp mắt. Cô tỳ nữ Thính Cầm kia giúp nương tử nhà họ Triệu chăm sóc đứa bé coi như là cùng ở chái phía Tây với chủ. Nhà chính là chỗ Triệu mẫu ở. Lúc trước đám bộc nam ở nhà trước thì không nghe nhưng chuyển ra chái phía Đông thì nghe được, vậy âm thanh này phát ra ở…

Chu Kỳ và Thôi Dập đi tới nhà sau. Thấy hai người đến, Triệu mẫu và nương tử Vệ thị dẫn theo hai tỳ nữ đứng chờ trong sân nhanh chóng bước tới hành lễ.

Chỉ mới mấy ngày không gặp mà mặt mày Vệ thị tiều tuỵ khá nhiều. Quầng mắt thâm xanh, sắc mặt nhợt nhạt, khác hẳn với dáng vẻ tiểu nương tử xinh đẹp mà Chu Kỳ gặp mặt lần đầu. Triệu mẫu thì càng xanh xao hơn, gương mặt u ám, có lẽ bà vốn đã gầy gò nên cho dù có héo hon thì trông cũng không rõ ràng như Vệ thị.

Triệu mẫu lại hành lễ với Thôi Dập và Chu Kỳ, cầu xin hai người làm chủ cho con trai của mình:

– Con lão bị người ta hại nên hồn mới không an như thế.

Chu Kỳ chợt chuyển đề tài:

– Lão phu nhân đã nhớ ra lại chưa. Trên đùi của Triệu đại lang đúng là có nốt ruồi à?

– Có!

Triệu mẫu quả quyết nói:

– Nó chui ra từ trong bụng lão làm sao lão nhớ nhầm cho được? Người kia chắc chắn không phải là con của lão!

Chu Kỳ bày giọng điệu của kẻ làm quan ra với bà:

– Cho dù Triệu đại lang bị ai hại chết thì thi thể cũng không thể bốc hơi được. Đúng lúc này có một xác nam không đầu, thân hình nom lại giống với gã, bên cạnh cũng có túi tiền của gã, chỉ dựa vào lời nói có “nốt ruồi đen” của một bà lão như bà mà phủ nhận…

Chu Kỳ lắc đầu.

– Kia thật không phải là con lão, con lão…

Triệu mẫu cuống đến độ nói lắp.

– Con lão đúng thật là có nốt ruồi đen.

Chu Kỳ mỉm cười, rõ ràng nàng không bị bà lão thuyết phục.

– Chúng ta thông báo cho các người tiến độ điều tra. Chúng ta tìm được một khách làng chơi và hoa nương đã từng có khúc mắc với Triệu đại ở phường Bình Khang. Hai người này có hiềm nghi lớn.

Bà lão lại càng nóng vội hơn:

– Không phải! Đó không phải là con lão. Con lão nào biết hoa nương gì chứ. Con lão không phải bị bọn họ giết, không phải đâu!

– Ồ? Vậy lão phu nhân nghĩ là do ai giết?

– Là con đĩ này! Ngày nào cũng má phấn môi son hết!

Bà lão chỉ Vệ thị:

– Nó thông đồng với thằng khác, âm mưu giết con lão.

Chu Kỳ càng cười tươi hơn. Thôi Dập nghiêm mặt, giọng nói so với Chu Kỳ còn uy nghiêm hơn:

– Bà nói lời lung tung vô căn cứ như thế không sợ bổn quan trị bà tội vu cáo hử.

Bà lão há miệng, móc khăn tay ra khóc rấm rứt:

– Con lão, ôi con lão bị oan…

Chu Kỳ khuyên Thôi Dập:

– Thôi Thiếu doãn, bà ấy lớn tuổi nên hồ đồ, lại thương nhớ con trai nên mới vậy, ngài châm chước cho bà ấy đi.

Thôi Dập liếc bà lão, nói:

– Đứng yên ở đó, chớ có ồn ào.

– Vệ thị?

Chu Kỳ nhìn sang nương tử nhà họ Triệu. Không biết là ảo giác của nàng hay không nhưng vừa rồi khi nàng nói đến chuyện tìm được nghi phạm thì nét mặt của Vệ thị như sáng lên.

Vệ thị hành lễ:

– Dạ, thưa quý nhân.

Chu Kỳ không hỏi chuyện liên quan đến xác nam mà hỏi chuyện ma ám:

– Chị có nghe được tiếng gì kỳ lạ kia không?

Vệ thị thoáng hoảng sợ, nhỏ nhẹ nói:

– Đêm trước thiếp ngủ say quá không nghe được. Vì tỳ nữ nói nó nghe được âm thanh kỳ quái nên tối qua thiếp không ngủ được, quả thật, quả thật có nghe được ạ.

– Có nghe được là tiếng ở đâu không?

Vệ thị lắc đầu:

– Nếu thật là hồn ma thì sao mà biết cho được?

– Không đúng! Bổn quan đã tìm hiểu đạo pháp nhiều năm, biết không ít bí thuật dân gian. Theo bổn quan biết thì hồn ma thường quanh quẩn ở một vài nơi, tỷ như…

Chu Kỳ nhìn Vệ thị:

– Chỗ mà nó chết…

– Nơi chôn cất thi thể.

– Nơi mà nó lưu luyến hồi còn sống.

Vệ thị cắn chặt môi. Chu kỳ lại chuyển đề tài:

– Nhà các người vốn đã chẳng yên ổn rồi. Ban đầu ngoài cửa sau đã từng xảy ra chuyện, có lẽ cuối năm được thả cửa, đám cô hồn dã quỷ quậy phá, coi như cũng dễ hiểu.

Lời của Chu Kỳ khiến ai nấy ở đây đều lạnh cả sống lưng. Thôi Dập, Trần Tiểu Lục và mấy người quen biết nàng từ trước thầm nghĩ, nếu không phải biết nàng là người thế nào thì bây giờ đúng là đáng tin thật.

Vệ thị vẫn còn gắng gượng được, hơi nhún gối nói:

– Dạ, thiếp không dám mời quý nhân tự mình làm phép. Kính mong quý nhân chỉ điểm bến mê, tìm đạo trưởng để siêu độ cho bọn chúng. Như vậy cũng là một cách.

Chu Kỳ lại lắc đầu, mặt mày nghiêm túc nói:

– Những chuyện thế này phải do bổn quan tự mình ra tay thôi.

Thôi Dập và Trần Tiểu Lục đều tròn mắt: “Bộ con hàng này/chị Chu còn có tài cúng vong nữa hả?”

Vệ thị hỏi:

– Quý nhân định làm thế nào? Có cần phải chuẩn bị gì không? Thiếp cho người làm đi chuẩn bị.

– Bản quan thấy phòng khách ở sau nhà là được rồi, cứ chọn nơi đó đi.

Lúc Chu Kỳ lừa gạt ở đây thì Tạ Dung đang nghe một ông lão kể chuyện.

Ông lão này là phường chính của phường Thái Bình năm Đại Nghiệp ba mươi mốt. Ông hơn sáu mươi tuổi, trước đây mới bị tai biến nên miệng hơi méo, nói chuyện không rõ, ăn cơm khó khăn nhưng lại rất thích kể chuyện, chỉ là không ai thích nghe mà thôi.

Bây giờ được quý nhân hỏi thăm chuyện ngày xưa, ông lão rất vui vẻ.

– Năm đó đúng là kỳ quái. Tháng chín có mưa sao băng, ngôi sao lớn như vậy cơ.

Ông lão vẽ một vòng tròn to bằng quả trứng gà.

– Từng ngôi từng ngôi lũ lượt rơi ào ào xuống như mưa. Chúng tôi đều nói ắt sẽ có chuyện bất thường xảy ra. Sau đó lập tức nghe nói nó ứng lên người Thái tử.

Tạ Dung nhìn miệng ông lại như thấy được bóng dáng vị đạo trưởng nào đó.

– Năm đó, lão chứng kiến cảnh Thái tử cưới Thái tử Phi. Thái tử cưỡi con ngựa cao khoẻ đến rước dâu…

Ông lão kể chuyện thành thân của Thái tử và Thái tử Phi năm đó.

Tạ Dung khẽ ho nhẹ.

Ông lão khựng lại:

– À à, quý nhân hỏi chuyện năm xưa điều tra phủ Tần Quốc công. Tần Quốc công theo bọn phản nghịch sao không bị tịch thu chứ? Cấm vệ quân của Thánh Nhân tài giỏi như thế, Tần Quốc công chỉ như lấy trứng chọi đá. Cả phủ Tần Quốc công đều bị bao vây, từ đầu tường cho đến cửa chính, nơi đâu cũng đánh nhau dữ lắm, tiếng đao kiếm với tiếng rên la dậy trời, dân trong phường sợ lắm.

– Ồ? Có liên luỵ đến ai không?

– Không có. Năm đó cấm quân đến đông, vây phủ Quốc công chặt như nêm cối, trận chiến đó không ra khỏi khu này. Lão nghe nói năm đó khi điều tra phủ đệ đã khiến dân trong phường sợ chạy tán loạn, ai ở lại trong phường cũng sợ xui xẻo bị dính vào.

– Vậy thì sao lại nói ngôi nhà nhỏ phía Đông phủ Quốc công là nhà bị ma ám?

Ông lão thở dài, nói:

– Đó là vì con trai và ba đứa cháu của Tần Quốc công đều chết ở trên bờ kênh đó, thảm thương lắm!

– Hết chương 12 –

←Trước 🐳 MỤC LỤC 🐳 Sau →

Một suy nghĩ 7 thoughts on “🐳 [KHTD] Chương 12: Ngôi nhà họ Triệu bị ma ám

  1. “Chu Kỳ hỏi Thôi Dập kết quả điều tra đồ vật ở cầm đồ ngày hôm qua.” –> tiệm cầm đồ”
    “Chiểu theo danh sách lấy lại hết đồ vật đã cầm” –> “Chiếu theo”
    “Con Thính Cầm là tỳ nữ trông coi tiểu đại lang giúp nương tử.” –> “Thỉnh Cầm”
    Việc Tạ Dung hỏi lại chuyện xưa của Thái Tử không biết là do liên quan đến vụ án hiện tại hay là liên quan đến thân phận thực sự của Tạ Dung???

    Đã thích bởi 1 người

    1. Cám ơn bồ nhiều nha. Mình sửa lại rồi nè.
      Chỗ “chiểu” hay “chiếu” đều được nên mình để vậy luôn nha.
      Còn cô tỳ nữ mình mới tra tên lại ở bản gốc là “听琴”. Chữ “听” âm đọc là “Thính” (và 2 âm khác nữa là Dẫn và Ngân). Mình sửa chỗ sai là “Thỉnh” thành “Thính” nhen.
      Một trong hai giả thiết của bồ đúng rồi nè, thêm vài chương nữa sẽ rõ ràng chân tướng đó ^^.

      Thích

Bình luận về bài viết này